Mỗi cộng đồng dân tộc đều có ngôn ngữ riêng của mình, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các DTTS góp phần bảo tồn sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn tiếng nói các DTTS hơn ai hết là cộng đồng các DTTS, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Nêu cao vai trò tự thân
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm bảo tồn văn hóa các DTTS, trong đó có việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, bản thân mỗi cá nhân, mỗi dân tộc nếu không có tình yêu, không giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình, thì mọi sự quan tâm đầu tư cũng không thể đủ, không đạt hiệu quả.
Vì vậy, mỗi cộng đồng dân tộc cần phải nêu cao vai trò, tình yêu, lòng tự tôn và trách nhiệm trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Nếu như coi ngôn ngữ dân tộc là tài sản quý giá của mỗi gia đình, thì trước tiên, mỗi gia đình cần phải gìn giữ tài sản đó trước khi nhờ đến những chính sách quan tâm, đầu tư bảo vệ của Nhà nước.
Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc “về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ (CLB) dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc 2021 – 2025”; theo đó, mỗi CLB dân ca tiêu biểu sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng cho năm đầu tiên, 15 triệu đồng cho những năm tiếp theo đến năm 2025. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, một số CLB dân ca trong tỉnh đã chủ động mở các lớp dạy tiếng mẹ đẻ.
Nhiều hoạt động trong học tập, gìn giữ ngôn ngữ dân tộc.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đến nay, các hỗ trợ vẫn chưa được triển khai đến các CLB. Mặc dù vậy, nhiều CLB dân ca của người Sán Dìu như CLB Soọng cô Lưu Quang, CLB Soọng cô Xạ Hương (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo) vẫn tổ chức, duy trì lớp dạy tiếng nói cho thế hệ trẻ.
Ông Lưu Văn Năm, CLB Soọng cô Lưu Quang cho biết, CLB đã tự đầu tư tài liệu, giấy, bút, các phương tiện học tập cho hơn 50 học viên. Đây là sự chủ động, thể hiện trách nhiệm và tinh thần tự thân vận động, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước của các hội viên, người cao tuổi trong việc gìn giữ tiếng nói của dân tộc.
Cũng giống như ông Năm và các thành viên CLB Soọng cô Lưu Quang, hiện nay, nhiều người cao tuổi, Người có uy tín, các già làng, trưởng bản, các Nghệ nhân ưu tú… ở khắp các bản làng vùng DTTS đã nỗ lực mở các lớp, vận động tuyên truyền gia đình, dòng họ, làng xóm dạy và nói tiếng mẹ đẻ cho con, cháu của mình trong sinh hoạt hằng ngày để gìn giữ tiếng nói của dân tộc.
Đặc biệt, nhiều cộng đồng DTTS đã thành lập các hội, nhóm, trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook, Zalo để giao lưu, chia sẻ về tiếng nói dân tộc; nhiều YouTuber người DTTS đã tự sản xuất các video dạy tiếng nói hoặc sinh hoạt giao tiếp hằng ngày để dạy tiếng cho giới… đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Nhận thấy việc bảo tồn tiếng nói là yêu cầu bức thiết, một số DTTS đã nỗ lực gìn giữ. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan, tiếng nói các DTTS vẫn đứng trước nguy cơ mai một, nhất là những dân tộc có dân số ít, không có khả năng tự bảo vệ ngôn ngữ. Do đó, việc bảo tồn tiếng nói các DTTS không phải của riêng ai, mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Để làm được điều đó, các ban ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần định hướng, có những chính sách phù hợp với nguyện vọng của người dân. Và cần phải giải quyết được các vấn đề: Nguyện vọng học tiếng nói, chữ viết có được đáp ứng không? Làm thế nào để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu đó? Nội dung chương trình học ra sao, khi học xong họ tiếp thu được những gì, việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của họ trên thực tế sẽ như thế nào…
Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp để nâng cao dạy tiếng DTTS trong nhà trường. Hiện tại, cả nước có 6 tiếng DTTS được tổ chức dạy học chính thức gồm: tiếng Mông, Ê đê, Jrai, Bahnar, Chăm và Khmer tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng năm khoảng hơn 600 trường học, với 4.500 lớp học và 110 nghìn học sinh được học tiếng DTTS. Số học sinh được học tiếng DTTS chiếm khoảng 3,9% tổng số học sinh DTTS ở cấp học phổ thông.
Bên cạnh 6 tiếng DTTS chính thức được dạy, còn có 7 tiếng DTTS đang triển khai dạy thực nghiệm trong trường phổ thông là: Hoa, Chăm, Thái, Cơ Tu, Tà ôi, Pa cô, Bru Vân Kiều. Quy mô thực hiện 7 tiếng DTTS này ở hàng trăm trường, với hàng chục nghìn học sinh được học tiếng DTTS.
Mới đây, ngày 27/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo đó đến năm 2025, hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học, đối với 8 tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Ba Na, Chăm, Ê Đê, Khmer, Gia Rai, Mnông, Mông, Thái); bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng DTTS sau khi biên soạn…
Đến năm 2030, ban hành mới ít nhất 2 chương trình môn học của tiếng DTTS đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông; ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học, đối với những tiếng DTTS có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn…
Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, sẽ thêm nguồn lực cho việc bảo tồn tiếng nói các DTTS. Theo đó, Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch có nội dung: Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa… tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa khác).
Có thể thấy rằng, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã dành sự quan tâm, hành động quyết liệt bằng những việc làm cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói các DTTS. Và, với những nỗ lực mà chúng ta đang làm để bảo tồn tiếng nói các DTTS, tin rằng mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân tộc sẽ nhận thức rõ hơn, không ai có thể làm thay và nêu cao vai trò tự thân, tự bảo vệ tiếng mẹ đẻ của mình, góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Văn Hoa – BÁO DÂN TỘC VÀ PHÁT TRIỂN ngày 13/05/2022