Chuyện về chiếc trống Ê Đê

Trống thuộc nhóm màng rung trong bộ nhạc cụ dân gian Tây Nguyên. Là một vật dụng không thể thiếu song hành cùng mọi dàn ching chêng của các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên. Nhưng có lẽ trong hệ thống trống của Tây Nguyên, chỉ có chiếc h’gơr  của tộc người Ê Đê, Jrai là có hình đạng lớn nhất. Đường kính của chiếc trống thuộc loại  nhỏ nhất  ngắn hơn hoặc bằng một cánh tay (80-90cm). Chúng tôi trực tiếp đo chiếc trống tại nhà ông Y Thim B.Yă ở buôn Bông xã Cư Ea Buôr, thành phố Buôn Ma Thuột, có đường kính mặt trống là 10 gang tay ( 1m), thân trống dài 12 gang ( 1,2m) và tang trống vừa khít 2 vòng tay ôm Chiếc trống được đề là “ da voi” trong nhà trưng bày văn hóa Tây Nguyên ở Toà giám mục Kon Tum cũng có  kích thước 110 x 0,90 cm.

Vì là trống đại, nên có âm lượng lớn, âm thanh ấm. Phía trên mặt da quay ra ngoài để đánh có treo một chuỗi Ring rieo (lục lạc), có nơi còn đeo cả những chiếc Ching Hdang (chũm choẹ) nhỏ thành một vòng cung. Mỗi khi đánh, mặt trống rung lên, lục lạc, chũm choẹ  liên tục tạo nên tiếng kêu lanh canh hoà với âm vang của trống.

            Cách làm trống :

Nếu người miền xuôi làm trống thường xẻ gỗ thành từng mảnh, uốn cong rồi  ghép lại; thì cách làm các loại trống ở Tây Nguyên khác ở chỗ đều bằng nguyên những đoạn gỗ lớn nhỏ được khoét rỗng, sau đó tùy theo kích thước lớn, nhỏ mà bịt hai đầu bằng da trâu , da bò hoặc da dê.

Theo thạc sỹ Lý Vân Linh Niê Kdam, trống H’gơr là một trong những loại nhạc cụ thiêng. Để làm trống, phải tổ chức một nghi lễ cúng Yang lớn với vật hiến sinh phải là trâu . Người Ê Đê quan niệm rằng: muốn âm thanh của trống được vang, được ấm thì bắt buộc phải bịt mặt trống bằng da trâu đực và da trâu cái. Mặt da trâu cái quay vào trong, không bao giờ được dùng để đánh. Mặt da trâu đực quay ra ngoài là để đánh.

Vật liệu để làm trống là những thân gỗ tốt như Sao, Lim… hai tấm da trâu và những chiếc đinh làm bằng tre già. Từ một đoạn thân gỗ dài khoảng 1m, đường kính 0,80cm bằng phương pháp vừa dùng rìu  khoét vừa đốt, người Ê Đê tạo nên một thân trống ở giữa hơi phình to hơn hai đầu. Sau đó dùng bộ da của hai con trâu đực và trâu cái để bịt hai đầu trống. Hai tấm da này phải là nguyên bộ, vẫn còn nguyên lông. Khi bịt xong kín mặt và thân trống thì mới cắt những phần thừa xung quanh như chân, đầu và xén bớt lông đi… Độ rộng của hai tấm da phải đảm bảo đủ để bịt kín cả thân trống, rìa của hai mặt da giáp nhau ngay giữa thân trống.Thường người làm trống phải tính toán chính xác để da không bị thiếu hoặc bị thừa quá nhiều. Trước khi bịt trống, người thợ phải ngâm da trong nước 1,2 ngày, cho da mềm ra, dễ cắt.

Sau khi đã căng khít mặt và thân trống, da được dùi, ghim vào thân trống bằng những đoạn tre ngắn chừng bằng ngón tay cái ngay sát mặt trống ở cả hai đầu. Tiếp tới hai hàng những chiếc đinh tre sát cạnh , giữ cho mặt trống thật thẳng căng. Và thêm 4 hàng nữa tại hai đầu giáp nhau ở khoảng chính giữa thân trống, song song, đều nhau.  Những hàng đinh tre này được đóng một cách cẩn thận, không chỉ ghim chặt da vào mặt và thân trống mà còn trở thành phần trang trí cho thân trống. Trống căng xong, phải phơi ngoài chỗ mát nhiều ngày, để khô và thẳng căng , rồi tiếp tục khoét một lỗ nhỏ chừng bằng hạt ngô ở mặt da trâu đực ( xỏ mũi cho trống), làm cho âm thanh phát ra ấm và không bị tức tiếng.

 

Cách dùng mảnh tre và đinh tre ở trống Ê Đê khác với các loại trống của các tộc người khác ở chỗ  căng mặt trống bằng dây mây đan chéo nhau từ đầu này sang đầu kia; hoặc cột neo xuống mặt đất cho đến khi nào từng mặt trống căng vừa độ mới đảo ngược lên. Những sợi dây mây sau đó không tháo đi mà để lại như vật trang trí cho chiếc thân trống.

Chiếc trống thiêng có chiều dài 1,2m – 1,4m thường chỉ những gia đình tù trưởng lớn của vùng ( tr’ing) mới có.

Dùi để đánh trống là hai đoạn gỗ tròn dài khoảng 20 đến 25cm, đường kính khoảng 4 đến 5cm.

Khác với nhiều tộc người ở Tây Nguyên đeo trống nhảy múa cùng dàn ching chêng, thuộc loại diễn tấu động; Ching Char Ê Đê là diễn tấu tĩnh nên trống H’gơr có một vị trí cố định trên ghế Kpan, kẹp giữa vách nhà và cây cột thứ 2 (cột kmeh) của gian khách. Muốn đưa trống ra khỏi nhà cũng cần phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép rồi mới được mang ra. Ở trong nhà không bao giờ được đặt trống ở bất cứ một vị trí nào khác.          

          Trống H’gơr được sử dụng hoà tấu với dàn ching Knah, trong vai trò như một nhạc trưởng báo ngừng nghỉ. Ở những lúc giai điệu ching dồn dập và khi báo hiệu kết thúc bài ching, trống H’gơr sẽ được đánh 3 hồi, mỗi hồi 5 tiếng.

Trống H’gơr còn được sử dụng để thông báo tin khi gia đình có người qua đời (ba hồi trống, mỗi hồi 3 tiếng). Ngày nay hầu như gia đình nào còn ghế Kpan, còn ching chêng, còn trống H’gơr đều vẫn tuân thủ các quy định trên.

Người Ê Đê MThur còn dùng trống H’gơr múa Tung khăk trong một số lễ cúng lớn. Trống được đặt chênh chếch trên một cái giá thấp hình vòng cung. Nghệ nhân cầm hai chiếc dùi trống, hoặc hai thanh nứa đập dập một đầu, vừa nhảy vừa đánh vào tang trống hoặc mặt trống.

Chỉ những nhà giàu có Kpan, có dàn ching char , thậm chí từ 60 tuổi trở lên  thì mới được làm trống H’gơr, có thể cùng một lúc với làm Kpan. Trống càng to càng chứng tỏ gia đình đó giàu có. Mỗi gia đình chỉ có một trống H’gơr. Nó cũng được xem như một tài sản quý.

Trống có mặt tại hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên với những tên gọi khác nhau, nhưng luôn luôn song hành cùng sự diễn tấu của các dàn ching chêng và vòng múa suang.Tuy nhiên,ở các dân tộc khác, trống lớn chỉ được bịt da ở hai mặt, còn loại trống bịt da toàn thân, nhất là trống bịt da hai trâu đực cái và có  hình thức xử dụng nghiêm ngặt thì chỉ có ở người Êđê.

          H’Gơr đặt cố định trong nhà dài, nên còn có H’gơr tăp m’niê là một loại trống có hình dáng giống với trống H’gơr nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều, đường kính khoảng từ 20 đến 25cm, chiều dài từ 50 đến 55cm. Thường dùng để múa . Âm thanh khô, tiếng vang không lớn.

Cách làm H’gơr tăp m’niê  giống với trống H’gơr, nhưng mặt trống H’gơr tap m’nia có thể được bịt bằng da các con thú khác như da bò, da dê, da nai… hai bên rìa cột dây để đeo vào cổ lúc múa. Khi làm trống H’gơr tăp m’niê không phải làm lễ cúng lớn, mà chỉ cần một lễ cúng với con vật hiến sinh nhỏ như con gà và một ché rượu nhỏ mang tính chất xin phép Yang cây khi chặt cây làm trống. Khi múa trong lễ cúng ăn cơm mới, người múa phải là nam, đeo trống tới ngang bụng, dùng dùi đánh vào hai mặt trống và tang trống thành nhịp điệu để múa. Những người phụ nữ lớn tuổi sẽ múa điệu chim Grứ lượn vòng xung quanh. Điệu múa cũng gọi là tap mniê.

Ngoài điệu múa Ktung Khâk ( gõ trống), ở vùng Ê Đê Mthur còn có điệu múa Pah H’gơr (vỗ trống) cũng sử dụng H’gơr tap m’niê nhưng không đánh bằng dùi mà vỗ tay vào mặt trống tạo âm thanh, nhịp điệu để múa. Những điệu múa này thường chỉ được biểu diễn trong các nghi lễ cúng yang, nên ngoài những dịp này ra H’gơr tap m’niê không được sử dụng vào hoạt động nào khác nữa.

Đa số các tộc người ở Tây Nguyên và miền núi Trường Sơn có loại trống tương tự . Có thể coi như đã và đang tồn tại một tập hợp các loại trống nhỏ bịt da bò, da dê, hoặc da các loại thú móng guốc ở các dân tộc thiểu số  trong khu vực.

+ Với tên gọi chiếc «  trống da voi » .Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, dù trống có lớn đến đâu chỉ là bịt bằng da trâu cái và trâu đực, không bao giờ bịt bằng da voi. Có 2 điều chứng minh ý kiến này :

-Tập quán của loài voi rừng, khi thấy quá già yếu, chúng sẽ tự tìm tới một bờ vực sâu nào đó, lăn mình xuống và chết. Chính vì vậy ở Lào, Campuchia, người ta từng tìm thấy giữa rừng sâu những bãi ngà voi.

– Với voi nhà đã được thuần dưỡng, đều được đặt tên và coi như một người anh chị em đặc biệt trong nhà. Hàng năm có cúng sức khỏe cho voi. Lỡ có bầu với voi nhà khác, còn phải làm lễ cưới cho voi ( khả năng này rất ít xảy ra).  Nếu voi vì lý do nào đó chết tại chỗ, người ta đổ đất lên thành mộ. Không bao giờ được lột da «  anh chị em » của mình để làm trống. Nài cũng bị cấm ăn thịt voi ở bất cứ đâu là thế. ( Nếu lỡ ăn, về tới nhà voi phát hiện ra ngay và không loại trừ khả năng bị voi quật hoặc không bao giờ cho bén mảng đến bên cạnh nữa.)

Do vậy hoàn toàn không thể có khả năng có trống da voi.  Dù lớn đến đâu vẫn chỉ là những chiếc trống da trâu mà thôi.

 

Linh Nga Niê Kdam

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *