Đôi điều về tộc người Jrai Arap

 I.Khái quát về tộc người Jrai ở Kon Tum

Tộc người Jrai có số dân đông nhất trong nhóm 12 dân tộc tại chỗ chính thức có tên trong danh sách 54 dân tộc Việt Nam, thuộc khu vực 5 tỉnh được Tổ chức Quốc tế UNESCO gọi là Tây Nguyên. Drai, Grai, J’Rai tiếng Jrai Cheo Reo có nghĩa là thác, nên tên tự goi Jrai có thể hiểu là những người cư trú bên cạnh thác hoặc con cái sinh ra ở nơi gần thác, từ vùng có thác nước ( như thác Ya Ly). Năm 2017, tại Gia Lai đã có một cuộc Hội thảo khoa học về tên gọi và đã thống nhất dùng Jrai thay cho Gia Rai theo cách gọi của  các nhà dân tộc học trước đây.

Có nhiều ý kiến phân chia người Jrai thành các nhóm địa phương.

Theo Cửu Long Giang & Toan Ánh, có 8 nhóm sau : Cheo Reo, Plei Ku, A Rap , H’Drung , KBuăn, H’Roi, M’Dhur

Theo Wikipedia và Webstite của Ban dân tộc tỉnh Gia Lai cũng như Thạc sỹ người dân tộc Jrai, ông Rchăm Oanh, có 5 nhóm : Jrai Chor được coi là nhóm gốc, cư trú tại vùng A Yun Pa, Krông Pa, Cư Pưh; Jrai M’Dhur ở vùng giáp ranh với Đăk Lăk và Phú Yên; Jrai Hơdrung (Hơbâo) tập trung tại thành phố Plei Ku cũng như huyện Cư Pah và Cư Prông; Jrai Tơbuan ở dọc biên giới Cam Pu Chia và Jrai Arap ở vùng Kon Tum.

Theo ông Siu HNhi, một trí thức uyên thâm người Jrai, cư trú tại Plơi Bar Gôk, xã Sa Sơn,  huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, hiện nay người Jrai chỉ có 5 nhóm địa phương là Cheo Reo, A Rap ( Arap) , H’Drông, M’Dhur và Chơ Chon. Đều thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo – Malayo-Polinisieng, nên phong tục tập quán và ngôn ngữ tuy có vài điểm khác nhau, nhưng vẫn mang tính tương đồng sâu sắc.

Trước thế kỷ XI, người Ê Ðê, Gia Rai được ghi tên trên bia ký của người Chăm là Rang Ðêy. Do chiến tranh Việt – Chăm, hoặc chiến tranh bộ lạc mà dạt lên cao nguyên miền Tây, bị tách đôi theo vùng cư trú, nhạt phai ngôn ngữ mà hình thành hai tộc người riêng biệt . Vào thế kỷ XV-XVI sử sách phong kiến Việt Nam ghi nhận danh hiệu Thủy Xá (Vua nước), Hoả Xá (Vua lửa). Chỉ có người đàn ông họ Siu mới được làm Pơ Tao Pui – Vua lửa, Pơ Tao Ya – Vua nước và con gái họ Chom mới được quyền làm vợ hai Pơ Tao này.

Người Jrai cứ trú tập trung tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum, một số ít ở Đăk Lăk và dọc theo biên giới phía bên Campuchia. Theo Ban dân tộc tỉnh, tại Kon Tum, tính đến ngày  30/6/2014 người JRai có 5.546 hộ/23.413 khẩu. Cư trú tại các huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum

1.Tín ngưỡng

* Yang sang – thần coi sóc bảo vệ con người và nhà cửa được bình an. Khi dựng nhà mới phải tiến hành nghi thức lễ trang trọng, có con vật hiến sinh từ heo lớn trở lên và trồng cột gâng ( nêu) bằng cây Plang. Nếu cây sống, gia đình làm ăn phát đạt.

Yang ala bôn ( thần làng) và Yang Ia ( Thần nước) bảo vệ làng và cuộc sống của mọi thành viên trong cộng đồng được cúng ở bến nước và chân núi.

* Ngoài ra còn có Ptao Pui ( Tù trưởng lửa), Ptao Ia ( Tù trưởng nước) và Ptao angin ( Tù trưởng gió) . Những người cử hành lễ cầu trời cho mưa thuận, gió hoà và mùa màng tươi tốt.

Còn nhiều vị Yang khác chi phối mưa, sấm sét, núi, rừng, cây cối… Người JRai tin khi chết các linh hồn biến thành ma. Có người ban ngày là người, ban đêm là ma, làm hại người khác gọi là ma lai.

     2.Kinh tế :

Tự cung tự cấp là nguồn sống chính, trong đó trồng trọt là gốc của sản xuất nương rẫy. Ðất được phân chia thành hai loại : vô chủ, chưa canh tác gọi là đê, tră, lon. Đất đã canh tác gọi  là H’moa/ hoa, nửa vườn, nửa rẫy phát, đốt,  chọc lỗ tra hạt và làm cỏ.  Có làm ruộng nước Na ven các con sông, hồ, dùng cuốc xới , lấy trâu bò dẫm  sục bùn và cấy lúa nguyên cây mạ. Chăn nuôi có : trâu, bò, ngựa, voi, dê, lợn, gà, chó… Trong đó trâu là vật có giá trị cao nhất trong việc trao đổi ching, ché, sắt và hiến sinh trong lễ nghi tín ngưỡng.

  1. Ngôn ngữ :

Thuộc ngữ hệ Nam Đảo – Malayo – Polinisieng . Nhóm Ha Rap ( Arap) ở Sa Thầy có nhiều từ khác  nhất so với các nhóm Jrai vùng thấp, sự giống nhau khoảng 85%, so với các nhóm khác giống nhau  90%  Từ thế kỷ XX, do Linh mục Antomachi muốn truyền đạo sâu rộng nên đã cùng một số  nhân sĩ  người Jrai , căn cứ vào chữ Latinh và chữ quốc ngữ, làm nên bộ chữ Jrai. Đến nay vẫn còn được sử dụng.

  1. Nghề thủ công

5.Trang phục :

Ðàn ông đóng khố – toi – đen hoặc trắng. Màu đen cho  người giàu có, màu trắng cho người nghèo, dân làng,vải trắng kẻ sọc nhiều màu , ngày lễ đóng khố vải đen dài 4 x 0,30 m, có đường viền hoa văn và buông tua chỉ nhiều màu che hạ bộ. Áo – ao tơ ngan tai – hình chữ nhật màu đen dài tay, đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai sườn, chui đầu , vạt sau dài hơn vạt trước che kín mông, có một mảng vải màu đỏ viền trắng hình thang ở ngực. Gấu áo, hai đầu khố có mảnh tơi kteh dệt hoa văn, kết hạt trái cây hoặc hạt chì nhỏ rất công phu.

Ðàn bà mặc váy – Abën hëk tỡng krah – đen dài , có đường viền hoa văn chạy quanh gấu và cạp, viền vải đỏ quanh mép váy . Váy  ống, khi mặc cuốn vào thân để chỗ giáp hai đầu về phía trước. Áo – ao -ngắn bó sát thân, dài tay. Trên gấu tay áo, gấu áo và giữa ngực  có những đường hoa văn cầu kỳ.

Người Jrai thích đeo các loại vòng bạc, vòng đồng, đeo hình xoắn ốc ở cổ tay hoặc cổ chân. Đàn ông cũng xỏ lỗ tại.

  1. Kiến trúc :

* Nhà sàn dài – xang glong, chân cao ( khác nhà tộc người Ê Đê chân thấp) cho một gia đình mẫu hệ chung sống nhiều thế hệ già trẻ. Nhà hai mái , cửa ở chinh giữa nhà ( khác người Ê Đê cửa ở hai đầu hồi), được phân thành hai phần: mang phía bên phải giành tiếp khách và bên ok có một cửa phụ quay về hướng Bắc dành cho những người đàn bà – chủ gia đình mẫu hệ – khua xang. Trong nhà có hai bếp lửa, một ở mang và một ở ok. Ngoài ra còn có thể có xang dup – nhà bếp, nhà phụ bên cạnh

*  Việc làm nhà mới bắt đầu bằng nghi thức bói tìm đất. Bà chủ đem 7 hạt gạo đặt trên đất rồi lấy cái bát úp lên để bói tìm sự linh ứng của thần đất. Sau 3 ngày, 3 đêm đi lật bát lên xem nếu hạt gạo còn nguyên nghĩa là các Yang tại đó đã ưng thuận. Nếu mất hạt nào thì phải đi phải đi bói tìm chỗ khác. Ðặt hạt gạo để bói xong tổ chức ăn uống, hò reo, xuang, tông ching 3 ngày. Dựng nhà xong lại mở hội cúng Yang mừng nhà mới – nga yang đi sang h’rao 3 ngày nữa mới kết thúc.

* Rông hai mái dưới to trên nhỏ, hai đầu hồi, của chính giữa. Dựng giữa làng. Chân cao. Hình dạng tương tự nhưng mái cao hơn Rông Bâhnar và không thót nhỏ lại trên đỉnh như Rông Xơ Tieng. Rông là nơi sinh hoạt cộng đồng làng khi tổ chức các lễ lạt, những sự kiện quan trọng như xử phạt những vi phạm, răn dạy thanh niên, tiếp khách chung…

* Nhà ma – sang atâu – là nhà sàn thu nhỏ, có tượng mồ khi làm lễ bỏ mả.

  1. Quan hệ xã hội:

Làng (Plơi hoặc Bôn) vừa là đơn vị cư trú vừa là cơ sở cấu thành  xã hội, có một nhóm gồm những người chủ trì chung (Phun pơ bút, Thao bôn). Người lập bôn chính là thủ lĩnh, đầu làng (Ơi pơ thun, Thap lơi hay Khua plơi. Các nhóm đều có Phak kđi – Luật tục, có làng gọi là Kđi có nghĩa là việc xấu, việc sai trái có tính chất hệ trọng cần phải xử phạt . Xã hội JRai truyền thống có hình thức liên kết vùng gọi là T’ring. Người đứng đầu  là Khua T’ring, giúp việc xét xử có Pô phat kđiThao kđi. T’ring là vùng lãnh thổ, khi có chiến tranh trở thành liên minh quân sự. Dòng họ theo chế độ mẫu hệ nên hoàn toàn thiên về họ mẹ. Cộng đồng máu mủ được tập hợp thành từng dòng họ – K’nung hoặc Ðjoaigia phả. Mỗi họ thường được phân chia nhiều ngành hoặc phân đôi, thành họ khác. Mỗi họ, mỗi ngành kiêng một  vật tổ – tô tem riêng. Gia đình nhỏ mẫu hệ là nét nổi bật của người JRai khác với trường hợp người Ê Ðê là đại gia đình mẫu hệ.

  1. Tập quán :

* Cưới xin : Luật tục – Luât –  nghiêm cấm những người cùng ngành họ và dòng mẹ lấy nhau. Nam nữ được tự do lựa chọn người yêu, trong đó nữ chủ động chọn chồng. Phong tục giản đơn, không mang tính chất mua bán và do nhà gái làm chủ. Bảo lưu tục chồng chết, vợ lấy em chồng và ngược lại vợ chết, chồng có thể lấy chị vợ. Khi đã thành vợ thành chồng thì đàn ông phải sang nhà vợ, không có trường hợp ngược lại.

* Sinh đẻ: Bà mẹ mang thai rất được coi trọng,  không được làm việc nặng nhọc vì lo sợ đẻ khó và chết khi sinh. Người jrai ngồi sinh theo tư thế dựa lưng vào vách nhà, mặt quay ra phía ngoài. Hai tay bám lấy một thanh ngang phía trên đầu. Hai bà mụ, một bà đỡ phía trước, một bà vỗ lưng phía sau. Khi đẻ, trong một tháng đầu, mẹ phải kiêng nhiều thứ như không ăn cơm nấu trong nồi mà chỉ dùng cơm ống nứa cho ấm bụng, không ăn thịt mà chỉ ăn rau vì kiêng sát sinh…Bé được một tháng phải có lễ thổi tai, đặt tên . 15 mùa rẫy, là con trai phải có lễ trưởng thành.

  *  Cà răng, căng tai :

Xa xưa nam nữ đến tuổi thành niên có tục cưa răng hàm trên. Việc này do ông già Pô khoa tkơi thực hiện bằng cách lấy liềm cắt hoặc dùng một viên đá ráp chà xát vào hàm răng trên, ở ven suối. Cầm máu răng bằng lá thuốc (Tkoi am). Nữ 1-2 tuổi xâu lỗ tai, sau đó lấy lõi cây căng dần tai ra để đến khi trưởng thành thì đeo hoa tai bằng một khúc ngà voi lớn. Nam giới không căng tai mà chỉ đục lỗ để đeo khuyên

Lịch truyền thống :

Lịch Jrai, một năm bắt đầu với tháng giêng, được tính từ ngày có trận mưa đầu tiên tương đương với tháng 4 dương lịch hiện nay.

Tháng 12  tương đương tháng 3 dương lịch gọi là Blanning nơng – plan thông toai – tháng nghỉ ngơi không sản xuất, chỉ làm các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng, chu du mua bán…

  1. Nghệ thuật diễn xướng :

          Người Jrai là một tộc người có nghệ thuật diễn xướng vô cùng phong phú và độc đáo.

Cũng như mọi tộc người khác, dân ca Jrai  có hai thể loại hát nói và hát có nhịp điệu. Hát nói thường dùng Hát – Kể  khan hri trường ca , sử thi, tự sự, xử phạt theo luật tục..(Khan đok – kể không có hát). Hát có nhịp điệu rất phổ biến, đặc biệt là hát giao duyên. Là một trong số những dân tộc ít người có nhiều làn điệu dân ca phong phú nhất, mang tính dễ phổ biến nhất .

Giai điệu dân ca Jrai mềm mại, uyển chuyển, nồng nhiệt, tha thiết dễ đi sâu vào lòng người. Thường được tiến hành theo các quãng 5 đúng đi xuống liền bậc, đôi lúc có sự đột biến nhưng không nhiều. Sự tiến hành của các giai điệu có thể thay đổi, nhất là tùy theo vùng, nhưng tiết tấu thì ít đổi thay.

Dân ca Jrai có các thể loại : hát nói –  adoh knhă; hát có nhịp điệu – adoh, hát giao duyên – nhik, hát – kể trường ca gọi là hri hoặc khan hri

Dân ca Jrai thường ngắn, khúc thức gọn gàng, lặp đi lặp lại cả câu hoặc chỉ thay đổi nốt cuối cùng, dễ thuộc, đã được nhiều nhạc sỹ cải biên, chỉnh lý để hoàn chỉnh gần như một ca khúc nghệ thuật. Ví dụ như trường hợp bài “ Amiêt Êman ” và  “ Dăm Thơi” , hai bài dân ca rất phổ biến thời kháng chiến chống Pháp ở khắp Tây Nguyên. Hai bài  này nằm trong danh mục biểu diễn thường xuyên của đoàn ca múa Tây nguyên nhiều năm, ở cả trong nước và quốc tế. Giai điệu  mượt mà, sâu lắng

Từ bài “ Amiêt Êman” nguyên gốc, một nhạc sỹ người Đức đã cải biên hoàn chỉnh thành như một ca khúc. Còn nhạc sỹ Bảo Chung thì dựa trên nét nhạc mà sáng tác bài “ Nghe em hát amiết man ”. Cũng từ giai điệu của bài dân ca này, nhạc sỹ Doãn Tiến đã biên soạn nên bản nhạc độc tấu dành cho đàn Tr’ưng.

Đặc trưng dễ nhận thấy của dân nhạc Jrai là giai điệu có nhiều quãng nửa cung và rất nhiều các quãng 4, quãng 5.Nếu trong âm nhạc cổ điển Châu Âu, những quãng nửa cung thường xử dụng trong yêu cầu tạo nên giai điệu mang tính bi thương, thì trong âm nhạc dân gian Jrai, sự xuất hiện liên tục các quãng nửa cung, lại chỉ mang đến cho người nghe một cảm giác mềm mại,rất trữ tình, tiết tấu vui tươi và rất cuốn hút. Khiến người ta muốn nắm tay nhau bứơc vào vòng suang, xoay quanh một đống lửa hồng đêm cao nguyên nào đó.

Người Jrai còn nổi tiếng với các bộ ching chêng, đặc biệt là ching Arap. Cơ cấu nguyện bộ cũng có chinh núm và ching bằng, từ 12-15 chiếc. Sau này ching  “độ” có khi lên tới 21 chiếc lớn nhỏ. Phổ biến trong đời sống đương đại là cách trình tấu của lớp trẻ là hai người khiêng một dàn ching chêng, một người cùng di chuyển  nhanh tay tấu tất cả. Ching Arap vẫn được dùng trong những lễ hội trang trọng.

Có nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa, lá, gỗ với các nhóm họ hơi như đinh but, Đing buk, Tơ liơ, họ gõ Pă pơng,Tă tơng,  họ dây gảy Ting ning, bro bõm, bro dung; dây : K’ni, Mơ mŏ…rất đa dạng.

Múa – Xuang dân gian Jrai luôn song hành cùng các dàn ching chêng trong mọi lễ hội.  Ngày nay Xuang trở thành vũ điệu tập thể của cả vùng Tây Nguyên.

Dân nhạc Jrai đã thâm nhập rất sâu vào đời sống âm nhạc Việt Nam. Cũng chính bởi trong kho tàng dân ca các dân tộc thiểu số , dân ca Jrai thuộc vào loại có nhiều làn điệu mang tính trữ tình nhất.

10.Văn học truyền miệng

Luật tục – Luât  vừa mang tính gắn kết chặt chẽ mọi thành viên trong cộng đồng, buộc phải tuân thủ lệ tục, vừa cùng với  Hát – Kể sử thi – Hri , làm thành một thể loại văn vần mang tính nghệ thuật cao, dài hàng ngàn câu.

Có 6 hình thức xử phạt – Pơ kra tạ lỗi để sửa chữa sai lầm đã gây ra; nặng nhẹ theo các mức độ vi phạm : cảnh cáo trong dòng họ, gia đình, thậm chí trước bôn; bồi thường; cúng tạ lỗi với Yang; buộc phải làm nô lệ; bị đuổi khỏi cộng đồng làng và tử hình ( rất hiếm khi thực hiện).

Người Jrai ở vùng Gia Lai từng có nhiều bản sử thi – Hri độc đáo : Jing Chơ Ngã, Jing Chi On, Jing Chơ Nhiêp, H’Bia Bra Tang, Dam Phu….Nhưng do thời gian, hiện nay Sử thi Jrai mất mát khá nhiều, hầu như không vùng nào còn những bản có dung lượng lớn như những tộc người khác ở Tây Nguyên ( Ê Đê, Mnông, Bâhnar…)

Cổ tích – Tơ hnal akhan, Lời nói vần – hyăp kuh ; câu đố – Bơ dã; ngụ ngôn – Tơ hnal pơtih… rất phong phú

 

Linh Nga Niê kdam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *